Phong trào năng suất chất lượng – Kinh nghiệm của Malaysia

Ngày đăng: 26/03/2018 08:51

Sau khi tuyên bố độc lập năm 1957, Malaysia còn là một nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu. Tuy nhiên trong thập kỷ 1970, với vai trò then chốt trong phát triển kinh tế, Chính phủ Malaysia đã theo bước của bốn con hổ châu Á thực hiện chính sách kinh tế mới với mục tiêu xóa đói và cơ cấu lại nền kinh tế nước nhà và cam kết chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa vào khai khoáng và nông nghiệp sang ngành chế tạo. Với sự trợ giúp của Nhật Bản và phương Tây, các ngành công nghiệp nặng đã nhanh chóng phát triển phồn thịnh và trong một vài năm, xuất khẩu đã trở thành cỗ máy tăng trưởng hàng đầu của Malaysia. 

Từ năm 1983, Chính phủ Malaysia đưa ra chính sách tự do hoá kinh tế, nới lỏng luật lệ và cải tiến chính sách về đầu tư; khuyến khích tư nhân tham gia phát triển kinh tế; chủ trương quản lý chặt chẽ hoạt động chi tiêu của khu vực kinh tế nhà nước; đồng thời chủ trương tư nhân hoá các hoạt động kinh doanh và các công ty quốc doanh. Và đến cuối thập thập kỉ 80, Malaysia đã chuyển sang nền kinh tế trong đó khu vực tư nhân nắm vai trò quan trọng. Nhờ đó mà Malaysia đã kiên định đạt được mức tăng trưởng GDP hơn 7% cùng với mức lạm phát thấp trong thập niên 1980 và 1990.

Sau cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Á những năm 1997-1998, nhờ những biện pháp khắc phục đúng đắn trong đó có việc ấn định tỷ giá và kiểm soát vốn, nền kinh tế Malaysia từ đầu năm 1999 đã phục hồi khá nhanh: tăng trưởng GDP năm 1999 đạt 5,8%; năm 2000 đạt 8,5%. Do tình hình kinh tế toàn cầu giảm sút, tăng trưởng GDP của Malaysia năm 2001 chỉ đạt 2,4%, tuy nhiên, từ năm 2002 kinh tế Malaysia từng bước phục hồi với mức tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2002 là 4,2%, năm 2003 đạt 5,2%, năm 2004 là 7,1% và năm 2005 là 5,3%.

Như vậy kinh tế Malaysia đã có những bước chuyển mình lớn trong lịch sử. Từ một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp trong thập niên 60 của thế kỷ XX, ngày nay Malaysia là quốc gia dẫn đầu trên thế giới về xuất khẩu các mặt hàng như chất bán dẫn, các thiết bị nghe nhìn, các thiết bị điện tử, các sản phẩm bọc nhựa và hóa chất oleo. Malaysia cũng là một trong những nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới với các sản phẩm như dầu cọ, cao su nhân tạo, gỗ nhiệt đới, hột cacao, hạt tiêu và dầu mỏ.

Malaysia đang hướng tới kỷ nguyên Thông tin bằng việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghệ thông tin. Malaysia đã bắt tay vào việc phát triển các lĩnh vực như tiếp thị qua điện thoại, các dịch vụ thông tin trực tuyến, thương mại điện tử và truyền thông kĩ thuật số bằng việc sử dụng công nghệ Siêu Hành Lang Đa Phương Tiện (MSC). Malaysia cũng đã bắt đầu phát triển các ngành công nghiệp nặng và hiện nay đã có thể tự sản xuất được ôtô, chiếm tới gần 80% thị trường nội địa.

Theo Niên giám xếp hạng sức cạnh tranh thế giới 2010 (WCY) do Viện Phát triển Quản lý (IMD) có trụ sở tại Thụy Sỹ công bố, Malaysia là quốc gia đang phát triển duy nhất được xếp hạng trong danh sách “top 10” nền kinh tế có sức cạnh tranh nhất thế giới với chỉ số điểm là 87.228, vượt lên trước các quốc gia phát triển khác như Hà Lan, Đan Mạch, Áo và Đức, và đứng sau Mỹ, Australia, Canađa, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Singapore, Đài Loan và Hồng Kông.

 

Cơ quan Năng suất Malaysia

Cơ quan Năng suất Malaysia trước đây có tên Trung tâm Năng suất quốc gia (NPC) thành lập năm 1962 thông qua một dự án liên kết giữa Quỹ Đặc biệt Liên Hiệp Quốc (United Nations Special Funds) và Chính phủ liên bang Malaysia. Cũng theo dự án này, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được chỉ định là cơ quan điều hành nhằm mục đích xây dựng và phát triển NPC. Tiếp theo đó, Bộ Công Thương Malaysia được giao trách nhiệm quản lý và cấp vốn cùng với sự hỗ trợ của hội đồng cố vấn bao gồm các thành viên là đại diện đến từ các Bộ, ban ngành chính phủ Malaysia, các hiệp hội doanh nghiệp và công đoàn lao động.

Năm 1966, đạo luật số 19 được quốc hội Malaysia thông qua với đối tượng áp dụng là Hội đồng Năng suất Quốc gia, nhờ đó mà NPC đã trở thành cơ quan tự quản. Đạo luật này sau đó được sửa đổi thành đạo luật A305 1975 với mục đích mở rộng và nâng cao vai trò của NPC. Có hiệu lực từ ngày 1/12/1991, Luật sửa đổi A801 1991 áp dụng cho Hội đồng Năng suất quốc gia đã chuyển hội đồng này thành Cơ quan Năng suất quốc gia.

Từ 21/2/2008, Cơ quan Năng suất quốc gia được chính thức đổi tên thành Cơ quan Năng suất Malaysia (MPC).

 

Phát triển Phong trào Năng suất tại Malaysia

Phong trào năng suất và chất lượng ở Malaysia được khởi xướng năm 1981 với sự ban hành chính sách “Hướng Đông Á” của thủ tướng Mahathir. Thông qua chính sách này, Malaysia đã nghiên cứu, học tập tinh thần làm việc, đạo đức kinh doanh và kỹ năng quản lý của các quốc gia phát triển ở phương Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, từ đó sửa đổi và áp dụng cho phù hợp với môi trường kinh tế – xã hội Malaysia.

 

Chiến dịch nâng cao năng suất lần thứ nhất

MPC chính thức trở thành quốc gia thành viên của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) từ tháng 1/1983. Cũng trong năm này Chiến dịch nâng cao năng suất quốc gia lần thứ nhất (1983-1987) đã được thủ tướng Malaysia phát động trên toàn quốc với mục tiêu:

  • Nâng cao nhận thức toàn dân về năng suất;
  • Giáo dục đạo đức làm việc nghiêm túc;
  • Giáo dục quần chúng về các biện pháp nâng cao năng suất.

Trong suốt chiến dịch năm năm nói trên, hàng loạt các chủ đề đã được lựa chọn, cụ thể là:

  • 1983 Thái độ và kỹ thuật hướng về năng suất
  • 1984 Năng suất mang lợi ích đến với bạn
  • 1985 Năng suất và Thịnh vượng
  • 1986 Năng suất thông qua con người trong thời đại đổi mới công nghệ
  • 1987 Năng suất và Thịnh vượng

Có hai nhóm đối tượng mà Chiến dịch năng suất hướng đến, nhóm thứ nhất là “nhóm gây ảnh hưởng” bao gồm các chuyên gia, giáo viên, các chính khách và công đoàn lao động. Nhóm thứ hai là “nhóm thực hiện” bao gồm các nhà quản lý, công nhân và sinh viên.

MPC đã đóng góp rất lớn cho chiến dịch này bằng việc sử dụng rất nhiều phương tiện truyền thông để quảng bá mà chủ yếu là qua đài phát thanh, đài truyền hình và báo chí. Bên cạnh đó, MPC còn phát hành ấn phẩm năng suất và chất lượng dành cho các nhóm đối tượng khác nhau.

Đến tháng 10/1983, MPC thành lập Ban thư ký Nhóm kiểm soát chất lượng (QCC) với với nhiệm vụ nhận biết và đăng ký tất cả các nhóm QCC trong khu vực tư nhân và tổ chức các khóa đào tạo. Nhờ đó mà các hội nghị QCC với quy mô bang cũng như toàn quốc được tổ chức hàng năm. Các nhóm đoạt giải quốc gia sẽ được cử sang Nhật, Hàn Quốc và Mỹ dưới dạng mô hình đoàn khảo sát học tập. Và đến tháng 4/1987, Ban thư ký QCC được nâng lên thành Ban thư ký Quản lý chất lượng toàn diện (TQM).

Báo cáo đánh giá hiệu quả của MPC cho thấy chiến dịch năng suất năm năm (1983-1987) đã đưa nhận thức của người dân Malaysia về năng suất và chất lượng lên một tầng cao mới.

 

Chiến dịch nâng cao năng suất lần thứ hai

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình nâng cao năng suất lượng, những thông tin về chúng cần phải được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trên toàn quốc. Với chủ đề “Năng suất là động lực phát triển quốc gia” (Productivity Drives National Development), chiến dịch nâng cao năng suất lần thứ hai (1997-1999) đã được triển khai với những mục tiêu sau:

  • Đẩy mạnh việc chuyển đổi nền kinh tế từ dựa vào các yếu tố đầu vào sang dựa vào năng suất thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực hay các chiến lược tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP);
  • Tăng cường các hoạt động tạo giá trị gia tăng thông qua nguồn vốn đầu tư và các quá trình sản xuất chuyên sâu với công nghệ hiện đại; và
  • Nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu thông qua phát triển công nghệ và mở rộng thị trường.

Tăng trưởng kinh tế xét ở đầu vào, có ba yếu tố đóng góp. Đó là sự đóng góp của yếu tố số lượng vốn đầu tư, sự đóng góp của số lượng lao động và sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Kể từ khi giành được độc lập, nền kinh tế Malaysia tăng trưởng dựa chủ yếu vào các yếu tố đầu vào hay là số lượng vốn đầu tư với sự đóng góp trên 50%. Điều này chứng tỏ Malaysia đã đi theo hướng tăng trưởng về số lượng, chưa chuyển sang tăng trưởng về chất lượng, vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu.

Kế hoạch 5 năm lần thứ bảy của chính phủ Malaysia (1996-2000) đã mang đến luồng sinh khí mới cho chiến lược phát triển kinh tế, từ việc tăng trưởng phụ thuộc các yếu tố đầu vào chuyển sang phát triển dựa trên năng suất thông qua việc nâng cao sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) bằng cách tăng hiệu suất sử dụng nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực.

Trong bối cảnh lúc này, các sáng kiến nâng cao năng suất trở nên cấp thiết cho việc phục hồi nền kinh tế với trọng tâm là nâng cao khả năng cạnh tranh của đất nước. Các sáng kiến được triển khai thực hiện đó là:

  • Áp dụng các hệ thống quản lý, nâng cao năng suất và chất lượng tiên tiến;
  • Cải tiến hiệu quả hoạt động thông qua các hoạt động đối sánh;
  • Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin;
  • Nâng cao kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực; và
  • Sản xuất sản phẩm chất lượng cao thông qua nghiên cứu và phát triển.

Phong trào năng suất Malaysia hiện nay

Bước vào thế kỉ 21, kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Malaysia nói riêng phải đối mặt với những thách thức lớn từ sự mở rộng tự do và toàn cầu hóa cũng như sự phát triển nhanh chóng về công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Tiếp nối những thành tựu to lớn đã đạt được trong chiến dịch nâng cao năng suất lần thứ hai (1997-1999) và kế hoạch 5 năm lần thứ 7 (1996-2000), chính phủ Malaysia quyết định triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 8 (2001-2005) và chiến dịch nâng cao năng suất lần thứ ba (2002-2004) với nhằm nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế và sức cạnh tranh quốc gia.

Chiến lược phát triển phong trào năng suất và chất lượng trong giai đoạn này là cạnh tranh và đổi mới với mục tiêu phát triển nền kinh tế tri thức và tăng tỉ lệ đóng góp của TFP. Sự ưu tiên trong giai đoạn này tiếp tục được dành cho công tác nghiên cứu và phát triển, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cộng với sự nỗ lực, cố gắng của các tầng lớp nhân dân, phong trào năng suất và chất lượng tại Malaysia đã giúp nền kinh tế mau chóng phục hồi, đi vào ổn định và phát triển khá nhanh. Tăng trưởng GDP năm năm 2000 đạt 8,5%, năm 2005 đạt 5,3% và năm 2006 là 5,7%.

 

Bài học từ kinh nghiệm Malaysia

Dựa trên kinh nghiệm từ sự phát triển phong trào năng suất tại Malaysia trong suốt gần 30 năm qua, ta có thể rút ra được một số bài học như sau:

 

Cơ cấu tổ chức

Việc phát triển phong trào năng suất quốc gia đòi hỏi sự nỗ lực cộng tác và phối hợp giữa chính phủ, khu vực tư nhân, tầng lớp lao động và cộng đồng cư dân. Trong khi MPC đóng vai trò trọng tâm là ban thư ký chức năng thì cần phải có một cơ quan tổ chức khác có thể điều phối sự hợp tác giữa các bên.

Tại Malaysia, việc nâng cao năng suất là chương trình nghị sự quốc gia và được đưa vào kế hoạch phát triển đất nước, có được sự cam kết từ phía chính phủ cùng với sự hỗ trợ của khu vực tư nhân. Tầng lớp lao động và cộng đồng cư dân ngày càng nhận thức và hiểu được rằng việc nâng cao năng suất đồng nghĩa với việc tăng phúc lợi cho họ.

Đối với MPC, thành phần ban lãnh đạo bao gồm các đại diện đến từ chính quyền, khu vực tư nhân, công đoàn lao động… Điều này đã giúp cho MPC nhận được sự hỗ trợ tích cực, đầy đủ từ tất cả các bên liên quan trong việc thực thi nhiệm vụ của mình.

 

Phát triển tổ chức

Một tổ chức năng suất quốc gia cần phải được thường xuyên nâng cao một cách có hiệu quả năng lực và khả năng trong các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, các hệ thống quản lý, công nghệ thông tin và truyền thông.

Trong MPC, hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM) đã được triển khai thực hiện, bên cạnh đó MPC còn được chứng nhận tiêu chuẩn ISO 9001, nhờ đó mà họ nhận được sự tín nhiệm của các tổ chức liên quan.

Ngoài Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), MPC còn phát triển mối quan hệ chiến lược với các tổ chức quốc tế khác như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Viện Phát triển Quản lý (IMD)… nhằm nắm bắt các vấn đề và theo kịp sự phát triển của năng suất và chất lượng trong khu vực và trên thế giới.

 

Xem thêm tại fanpage VNPI – Hồ Chí Minh

VIỆN NĂNG SUẤT VIỆT NAM – CHI NHÁNH HỒ CHÍ MINH

TÀI LIỆU KHÁC